Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của diễn viên là truyền sức sống, năng lượng cho lời thoại trong kịch bản. Để làm được điều này, họ cần tập luyện giọng nói thường xuyên. Một trong những cách tập giọng nói cơ bản nhất là luyện đọc thành tiếng.
Diễn viên luyện đọc thành tiếng để làm gì?
Phân tích kịch bản:
Khi đọc kịch bản thành tiếng, bạn dễ dàng chú ý và phân tích cụ thể hơn về từng yếu tố trong đó: nhân vật, chủ đề, lời thoại, mô tả không gian,… Nhờ hiểu biết này, bạn sẽ tìm ra được cơ hội để chủ động sáng tạo, xây dựng thêm ý nghĩa cho cảnh thông qua màn biểu diễn của mình.
Tự đánh giá giọng nói:
Khi thường xuyên đọc rõ ràng thành tiếng, diễn viên sẽ dần nhận ra những đặc tính trong giọng nói của cá nhân mình, ví dụ như cách phát âm một số từ, tính trầm/bổng của giọng, vài cụm từ hay bị nói vấp,...
Chuẩn bị cho vai diễn/buổi thử vai:
Việc tập đọc thành tiếng thường xuyên là bài tập tốt cần thiết để bạn sẵn sàng đi ứng tuyển hoặc lên trường quay một cách tự tin, thoải mái. Khi giọng nói của bạn luôn ở trạng thái tốt nhất để làm việc, bạn sẽ phát huy được tối đa năng lực diễn xuất của mình, làm rõ nhân vật mình đảm nhận cũng như kết nối tốt hơn với bạn diễn.
Luyện tập đọc thành tiếng thế nào?
Khi chuẩn bị cho vai diễn/buổi thử vai:
Trước hết, bạn cần đọc toàn bộ kịch bản để hiểu rõ câu chuyện và cấu trúc của nó. Tiếp theo, bạn sẽ quyết định cách truyền đạt lời thoại của riêng mình, dựa theo cách cá nhân bạn giải nghĩa câu chuyện, nhân vật và lời thoại. Hãy đặt câu hỏi: “Khi đang nói lời thoại này, cảm xúc của nhân vật là gì (tức giận, đau khổ,...)? Ý định của lời thoại là gì (trách móc, than thở,...)?”
Thử nói một câu thoại bằng vài tốc độ, ngữ điệu khác nhau và tự đánh giá xem phương án nào phù hợp hay thú vị nhất. Đừng bỏ qua mối liên hệ giữa lời thoại và hành động. Bạn cũng cần đọc thoại nhiều lần thành tiếng để ghi nhớ thoại chính xác.
Khi luyện tập để phát triển khả năng diễn xuất:
Hãy chọn để trình diễn một văn bản bất kỳ mà bạn đã quen thuộc và yêu thích: trích đoạn trong sách, phân cảnh trong một vở kịch/phim,... Khi đã quen với câu chuyện và nhân vật, bạn có thể thoải mái thử nghiệm và sáng tạo trong cách đọc của mình. Niềm yêu thích cá nhân cũng sẽ giúp bạn nhiệt tình và tập trung tốt hơn.
Bạn cũng có thể thử thách bản thân và chọn trình diễn một văn bản lạ hoặc khó, nằm ngoài vùng an toàn của mình: một thể loại phim bạn không thích, một ngôn ngữ địa phương, bối cảnh nhân vật ở nhiều thế kỷ trước,... Nếu trích đoạn bạn chọn đã được một diễn viên giỏi trình diễn rồi, thử ghi âm lại phần tập luyện của bạn rồi so sánh với màn trình diễn kia nhé.
Khi rảnh rỗi:
Thử đọc lên thành tiếng bất kỳ từ ngữ nào bạn phát hiện xung quanh mình: tin nhắn từ bạn bè, email tiếp thị, mặt sau của chai dầu gội,...
Chúc bạn tìm được nhiều niềm vui trong quá trình tập đọc và phát triển diễn xuất bằng giọng nói!
コメント