Nghiên cứu cảnh (scene study) là một dạng bài tập khá phổ biến dành cho diễn viên. Khi làm nghiên cứu cảnh, bạn phải tập dượt cảnh của mình trực tiếp, sau đó nghe phản hồi, đánh giá của người xem cũng như tự suy nghĩ, phân tích cảnh bằng kiến thức diễn xuất của mình, để từ đó xây dựng nhân vật một cách thú vị và có chiều sâu.
Một số bài tập nghiên cứu cảnh
Thông thường, bài tập nghiên cứu cảnh sẽ yêu cầu diễn viên lặp đi lặp lại một cảnh theo chỉ dẫn. Tuy vậy, giáo viên cũng có thể đưa ra một số yêu cầu khác như:
Chuyển vai: Trong một cảnh hai người, giáo viên có thể chỉ định hai diễn viên đổi vai cho nhau và diễn cảnh đó hai lần. Ở bài tập này, bạn hãy để ý những khác biệt giữa hai lần diễn. Cách hiểu tình huống và nhân vật của bạn và bạn diễn có gì chênh lệch không? Bạn khám phá được gì mới khi vào vai của người khác?
Diễn không thoại: Diễn mà chỉ sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, chuyển động, nét mặt). Bài tập này sẽ cho bạn cơ hội nhìn nhận sâu sắc hơn về cách nhân vật thể hiện cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể. Hãy dùng kiến thức này để phát triển cảnh, khi bạn được phép sử dụng thoại.
Chuyển đổi cảm xúc: Diễn một cảnh nhiều lần, nhưng mỗi lần diễn, bạn tập trung vào một cảm xúc khác nhau. Ví dụ, trong một cảnh mà nhân vật vừa giận dữ, vừa đau buồn và sợ hãi, bạn sẽ diễn cảnh này 3 lần, mỗi lần tập trung vào một trong ba cảm xúc nêu trên. Bài tập này giúp bạn hiểu về mối liên hệ giữa những gì nhân vật thể hiện ra ngoài và diễn biến bên trong họ (động cơ, cảm xúc).
Diễn viên làm nghiên cứu cảnh để làm gì?
Xây dựng nhân vật: Bài tập nghiên cứu cảnh đòi hỏi diễn viên phải phân tích kịch bản nghiêm ngặt để xác định cảm xúc, động lực và tiểu sử của nhân vật. Bạn phải nhìn được những liên hệ rõ ràng giữa cảm xúc và hành động của nhân vật trong cảnh.
Thử nghiệm: Nghiên cứu cảnh cho phép diễn viên thử sức với nhiều thể loại phim/kịch và vai diễn khác nhau trong môi trường thoải mái và ít áp lực. Đây là cơ hội rất tốt để bạn trải nghiệm nhiều kỹ thuật diễn xuất và tìm ra những kỹ thuật phù hợp nhất với mình, thể loại phim nào phù hợp hay không phù hợp với diễn xuất của mình. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy rất khó đóng thể loại phim kinh dị, hãy cân nhắc thật kỹ khi nhận được lời mời tham gia một dự án như vậy.
Phát triển kỹ năng diễn xuất: Tập dượt nhiều một cảnh cụ thể sẽ cải thiện khả năng diễn xuất của bạn ở nhiều phương diện. Bạn sẽ biết sử dụng thời gian thông minh hơn, tương tác tự nhiên hơn với nhiều bạn diễn khác nhau,...
Hiểu chỉ dẫn của đạo diễn/giáo viên: Khi nghiên cứu cảnh cùng đạo diễn hoặc giáo viên, bạn sẽ lắng nghe đánh giá của họ một cách chi tiết và trao đổi trực tiếp với họ nếu có thắc mắc. Điều này giúp bạn hiểu suy nghĩ và yêu cầu của họ tốt hơn, và từ đó làm việc và giao tiếp hiệu quả.
Vài lời khuyên khi thực hành nghiên cứu cảnh
Kiên nhẫn: Tác giả Joshua Waitzkin chỉ ra rằng để học làm một việc gì đó chính xác và nhanh chóng, ta cần phải học làm việc đó một cách chậm rãi trước. Học tập là một quá trình dài và khó khăn; nếu như bạn hấp tấp và muốn đốt cháy giai đoạn, kết quả cho việc học sẽ không bao giờ tối ưu. Vì vậy, hãy kiên nhẫn nếu như bạn muốn học thật sâu một điều gì đó và thật sự muốn cải thiện bản thân mình.
Tôn trọng quá trình: Bài tập nghiên cứu cảnh là một cơ hội rất tốt để bạn quan sát và hiểu kỹ từng phần trong quá trình hình thành một màn biểu diễn - đọc hiểu, phân tích, lựa chọn, diễn xuất, nhìn lại. Từng bước này đều quan trọng và cần được làm một cách cẩn thận.
Chấp nhận rủi ro: Mỗi bộ phim hay vở kịch mà chúng ta yêu thích đều xuất sắc là nhờ nhiều tầng lớp nghĩa đa dạng tạo nên nó. Để làm nên được thành công ấy, diễn viên phải biết sáng tạo hết mình và đón nhận những thử thách, rủi ro có thể giúp họ phát triển diễn xuất. Và bạn sẽ có cơ hội luyện tập tư duy này qua việc thực hành nghiêm túc những bài tập nghiên cứu cảnh trên lớp của mình.
Comments