Mỗi diễn viên cần ý thức về cách họ thể hiện mình ra bên ngoài, và có khả năng đánh giá ảnh hưởng của mình đến khán giả. Thói quen tự đánh giá này là bình thường và cần thiết, phổ biến với những người làm nghề biểu diễn bởi họ có áp lực phải dựng nên những màn trình diễn hoàn chỉnh, chất lượng.
Tuy vậy, quá bận tâm kiểm soát, đánh giá những gì mình thể hiện ra ngoài sẽ gây ra nhiều trở ngại cho diễn viên, khiến diễn xuất của họ trở nên gồng cứng không cần thiết. Trong cuộc sống thường ngày, ta hay gọi hội chứng này là "quá bận tâm người khác nghĩ gì về mình."
Diễn viên hay đánh giá chính mình thế nào? Vì sao thói quen này có thể trở nên tiêu cực?
Giả sử bạn tham dự Lễ trao giải Oscar và lên nhận giải thưởng khi đang mặc một bộ đồ ngủ. Bạn đang ý thức rất rõ sự khác biệt về phục trang giữa bản thân và tất cả những người xung quanh. Lúc này, nỗi lo rằng họ sẽ chê bai, bình phẩm về trang phục của bạn và cảm giác ngượng ngùng, muốn kiểm soát chính mình là hoàn toàn bình thường. Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều tình huống tương tự sẽ khiến bạn lo lắng, kiểm duyệt chính mình - đây là một phản ứng tự nhiên, hợp lý và không tiêu cực.
Tuy vậy, khi nào thì thói quen này trở nên quá đà và gây trở ngại cho diễn viên trong việc phát triển chuyên môn của họ?
Một diễn viên đang đánh giá bản thân quá đà khi những suy nghĩ bên trong họ cản trở họ kết nối với thế giới bên ngoài. Việc lo lắng về ngoại hình của bản thân trước ống kính, hay đạo diễn có hài lòng với mình không là những suy nghĩ hợp lý, nhưng nếu bạn để những suy nghĩ này đi quá xa, chúng có thể gây ra nhiều cảm xúc tiêu cực như bất an, lo âu, xấu hổ, trầm cảm.
Dĩ nhiên, bạn cần biết những người xung quanh nghĩ thế nào về mình ở một mức độ nhất định. Tuy vậy, đừng để bản thân bị kiểm soát bởi những quan điểm này. Khi quá tập trung vào mình, bạn có thể trở nên hoặc là kiêu ngạo, không quan tâm tới ai khác, hoặc lại quá tự ti, lo lắng tới mức không thể kết nối với ai.
Nếu bạn là một diễn viên thường xuyên đánh giá chính mình, hãy tham khảo những lời khuyên sau đây nhé!
Tìm lý do cho sự tự phán xét: Bạn có vốn luôn là người hay đánh giá bản thân không, hay điều gì khiến bạn có thói quen này? Sự đánh giá này đã từng hữu ích với bạn chưa, hay nó tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến bạn khi đang biểu diễn? Sau khi tìm ra lý do, bạn hãy nỗ lực để giải quyết tận gốc vấn đề.
Phát triển chuyên môn: Nhiều diễn viên hay đánh giá chính mình vì luôn lo rằng họ không đủ tốt, tự ti rằng họ thiếu tài năng hay kiến thức. "Tài năng" là một khái niệm dễ gây hiểu lầm và hay bị định nghĩa sai. Tất cả những nghệ sỹ thực thụ đều hiểu rằng không tài năng nào có thể thực sự nở hoa nếu thiếu đi thực hành chăm chỉ, có kỷ luật. Vì vậy, đừng bận tâm rằng mình có tài năng hay không mà hãy tin vào sự chăm chỉ của mình.
Thêm nữa, bạn hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức cho bản thân bằng cách đăng ký một lớp học về giọng nói/diễn xuất, hoặc tìm ra những nguồn tư liệu tốt về điện ảnh. Con đường học không bao giờ có điểm kết, bạn sẽ luôn tìm ra nhiều điều mới để khám phá. Vì vậy, đừng sợ rằng bạn của hiện tại không đủ kiến thức mà hãy cởi mở, ham học hỏi và tin là bạn còn rất nhiều cơ hội để phát triển.
Nghĩ ra bên ngoài: Hãy cố gắng hướng mình ra môi trường xung quanh nhiều hơn (nơi bạn đang sống, hoặc bối cảnh của nhân vật bạn đảm nhiệm). Quan sát và suy tư về thế giới xung quanh sẽ khiến bạn không còn thời gian phán xét nội tâm của mình nữa.
Tập trung vào bạn diễn: Giáo viên diễn xuất John Walcutt khuyên học sinh của mình rằng khi họ cảm thấy bất an và đánh giá tiêu cực về chính mình, hãy tập trung năng lượng vào việc quan sát, hợp tác với bạn diễn, coi bạn diễn là tâm điểm của cảnh quay. "Bạn nên truyền năng lượng cho bạn diễn, cho họ những gì họ cần để thực hiện cảnh thật tốt. Lắng nghe, phản ứng, hồi đáp họ. Lúc này, bạn không còn là tâm điểm của sự chú ý nữa, nên bạn cũng không cần cảm thấy quá áp lực."
Comentarios