top of page
Ảnh của tác giảACA

ĐỂ DIỄN VIÊN HẠN CHẾ SO SÁNH MÌNH VỚI NGƯỜI KHÁC

Đã cập nhật: 23 thg 6, 2023

So sánh bản thân với người khác giúp chúng ta đánh giá và điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc cũng như hành vi của mình. Đây là phản ứng và thói quen tự nhiên, cần thiết để mỗi người trưởng thành lên và hoà nhập trong xã hội. Tuy nhiên, làm sao để kiểm soát thói quen này và không biến nó thành ảnh hưởng tiêu cực luôn là một thử thách. Bạn có phải là một diễn viên đang liên tục so sánh mình với người khác và cảm thấy tồi tệ vì điều này không?


Ảnh hưởng tiêu cực của việc so sánh


Thiếu tự tin: Duy trì sự tự tin là vô cùng quan trọng với diễn viên cũng như người biểu diễn nói chung, để có thể tồn tại trong thị trường việc làm rất cạnh tranh. Đây có thể là khác biệt sẽ quyết định bạn có nhận được một vai diễn hay không.


Diễn viên Tony Rossi từng xem Lễ trao giải Tony năm 2016 trong căn hộ khiêm tốn của mình và nhìn một người quen cũ - người anh từng biểu diễn cùng thời niên thiếu - nhận giải thưởng cho vai diễn trong vở kịch nổi danh “Hamilton." “Đó là lúc tôi đã thực sự hết sạch tiền,” anh chia sẻ, “và chuẩn bị đi thực tập không lương tại một trường diễn xuất. Tôi đã cảm thấy vô cùng đau khổ khi lau sàn nhà vào ngày hôm sau, dù thực ra tôi cũng rất thích vị trí thực tập ấy.” Đối diện với thành tích của người khác, Rossi đã so sánh bản thân anh với họ và vô tình đánh giá thấp những gì anh có. Sự tự ti này đáng lẽ đã không tồn tại, nếu không vì hoàn cảnh và thời điểm của nó.


Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần cầm điện thoại lên và mở mạng xã hội là bạn dễ dàng nhìn thấy rất nhiều thành tích của đồng nghiệp xung quanh mình: những show và vai diễn mới, giải thưởng và những kết quả bằng con số. Đối diện với tất cả những hào nhoáng này, không ai tránh khỏi được phản xạ so sánh với chính mình và cảm thấy tự ti, kém cỏi. Và một khi suy nghĩ về sự so sánh bắt đầu, bạn sẽ khó lòng dừng nó lại, và có thể trở nên khủng hoảng.


Đánh mất bản thân: Nếu so sánh mình với người khác quá nhiều, bạn sẽ dần quên mất mình thực sự là ai, điều gì khiến mình đặc biệt và khác biệt, làm thế nào để phát triển bản thân theo cách cá nhân mình mong muốn. Khi cố gắng trở nên giống một ai đó khác, ta dễ đánh giá những phẩm chất của họ cao hơn phẩm chất của chính mình, vì thế bỏ lỡ cơ hội trân trọng, phát triển những điều giá trị nhất ở bản thân. Làm thế nào để bạn vừa học hỏi từ người khác, nhưng vừa không quên mất chính mình? Thử suy nghĩ về điều này nhé.


Vài lời khuyên cho người hay so sánh


Chăm sóc bản thân: Nhớ đối xử tốt với chính mình, dành thời gian cho những việc khiến bạn vui vẻ và dễ chịu (đi massage, ăn uống, tản bộ,...). Cố gắng duy trì một trạng thái tâm lý bình tĩnh và cân bằng. Bạn đã thử thực hành chánh niệm (mindfulness) chưa?


Xử lý những suy nghĩ độc hại và cảm xúc tiêu cực không phải là một việc dễ dàng. Bạn sẽ cần nhiều thời gian để chữa lành bản thân, và dần tin rằng bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Một suy nghĩ tiêu cực sẽ đến rồi đi. Đừng để nó ở lại quá lâu, và đừng cho nó sức mạnh để làm hại bạn.



Biết rõ giá trị của mình: Lưu trữ lại những thành tựu của bạn (dù là nhỏ nhất) ở nơi dễ nhìn thấy và xem lại: vài lời khen động viên của người thân/khán giả, poster những buổi biểu diễn trong quá khứ,... Khi ngắm nhìn những “bằng chứng" này, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã đi xa và nỗ lực nhiều thế nào. Nếu bạn không tài giỏi và chăm chỉ, những lời khen và thành tựu kia đã không thể tồn tại. Đừng vì một giây phút thất vọng hay lo âu ở hiện tại mà quên đi tất cả những gì bạn đã làm được nhé! Hãy luôn ghi nhớ chặng đường bạn đã đi với diễn xuất: bạn đã bắt đầu thế nào, học được gì, gặp ai, thay đổi và trưởng thành lên nhiều ra sao. Những ký ức đẹp này có thể giúp bạn vượt qua được nhiều sóng gió lớn trong sự nghiệp về sau.


Cạnh tranh với chính mình: Thay vì cạnh tranh với người khác, hãy cạnh tranh với phiên bản của bạn trong quá khứ. Bạn có đang tốt hơn bạn của một năm trước không? Và nếu có, thử tưởng tượng xem bạn của một năm tới còn có thể tiến bộ thêm thế nào nữa!


Trong cuộc sống, mọi so sánh đều khập khiễng, bởi mỗi người có một tính cách, khởi đầu và con đường khác nhau. Vì thế, con đường tiến tới một cột mốc thành công nhất định của bạn sẽ không giống con đường của một người khác. Đừng cảm thấy thảm hại khi họ đã ở cột mốc ấy trước bạn rất lâu rồi. Hãy tập trung vào việc của bạn thôi - những thứ bạn phải làm để tiến tới cột mốc ấy. Đừng quên động viên bản thân mỗi khi bạn tiến bộ, dù chỉ là thay đổi nhỏ nhất.


Đừng tin vào hào nhoáng bên ngoài: Mạng xã hội dễ khiến chúng ta lầm tưởng rằng tất cả mọi người ngoài kia đều đang sống tốt hơn, làm việc giỏi giang hơn hay xinh đẹp, may mắn hơn chúng ta. Sự thật thì không có cuộc đời nào hoàn hảo, và mọi người thường chỉ chọn chia sẻ công khai những khoảnh khắc nổi bật và tuyệt vời nhất (hightlight reels) của họ.


Nếu bạn đã từng lên trường quay phim, hẳn là bạn hiểu rằng để làm được một bộ phim hoàn chỉnh, có rất nhiều thứ khác cần diễn ra ở hậu trường. Đằng sau một diễn viên nổi tiếng là đầy rẫy những phức tạp của ngành công nghiệp giải trí. Đằng sau một diễn viên tài năng là rất nhiều chấn thương, nước mắt và vật lộn, đấu tranh về tâm lý. Những khoảnh khắc tầm thường hay tồi tệ trong cuộc sống của những diễn viên này thường không xuất hiện trên mạng xã hội.


Học về khó khăn của người khác: Đừng quên rằng cuộc sống khó khăn với hầu hết mọi người - bao gồm cả những diễn viên, nghệ sỹ lớn nhất mà bạn biết. Thử tìm hiểu về những nỗi đau của họ, và bạn sẽ nhận thấy mình không phải là người duy nhất chật vật. Ngay cả khi đã thành công, nhiều diễn viên vẫn đối diện với vô vàn bất an, lo lắng.


Nếu vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc xử lý những so sánh tiêu cực, bạn có thể tìm tới một chuyên gia trị liệu tâm lý để nhận sự giúp đỡ nhé! Chúc bạn duy trì được một tâm lý vững vàng để tiếp tục trong sự nghiệp diễn xuất.



(Lược dịch từ backstage.com)

46 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page