top of page
Ảnh của tác giảACA

CÁCH DIỄN VIÊN CẢI THIỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Đã cập nhật: 30 thg 4, 2023

Giống như mọi ngành nghề khác, một diễn viên chỉ giỏi chuyên môn của mình - diễn xuất - là chưa đủ. Họ cần rèn luyện thêm những kỹ năng mềm khác để củng cố vị trí của mình và tiến thân trong ngành công nghiệp điện ảnh. Họ cần biết cách cộng tác, kết nối và cùng sáng tạo với những người xung quanh mình (như bạn diễn, đạo diễn, khán giả, vv…).

Để làm được những điều này, diễn viên cần biết giao tiếp hiệu quả, khiến người khác muốn lắng nghe và dễ dàng hiểu những gì mình đang nói. Nếu bạn là một diễn viên đang muốn cải thiện khả năng giao tiếp trong công việc, hãy tham khảo những lời khuyên sau đây nhé!


Hiểu hoàn cảnh & vai trò của mình

Một diễn viên cần luôn có sẵn ảnh chụp chân dung, lý lịch diễn xuất và video của bản thân khi nhà tuyển dụng hỏi đến. Mỗi công việc bạn nhận sẽ có những yêu cầu khác nhau về phong cách diễn xuất, thể loại phim/video và điều kiện làm việc. Ví dụ, nếu bạn biểu diễn trên sân khấu trước rất đông khán giả và không thể sử dụng mic, một phong cách diễn xuất mạnh mẽ, toàn diện chắc chắc sẽ phù hợp hơn phong cách nhẹ nhàng, tinh tế thường thấy ở nhiều phim điện ảnh có những cảnh quay cận.

Lắng nghe tích cực

Trong một hội thoại hiệu quả, cả hai người đều có quyền được chia sẻ và lắng nghe. Sau khi đã nói ra suy nghĩ của mình, bạn nên chú ý đến phản ứng và phản hồi của người kia. Hãy nỗ lực hiểu xem họ đứng ở vị trí nào và cảm thấy thế nào để nói lên những suy nghĩ như thế. Nếu ai đó có phê bình diễn xuất hay tác phong làm việc của bạn, hãy thử suy nghĩ tích cực về mục đích của họ để từ đó học hỏi, phát triển nghiệp vụ cho mình.

Tăng cường trí tuệ cảm xúc (EQ)

Hiểu và kiểm soát được cảm xúc của bản thân là kỹ năng cần có cho tất cả mọi người, bao gồm cả diễn viên. Từ việc hiểu rõ cảm xúc của mình, bạn cũng sẽ dần biết cách đọc và hiểu cảm xúc của người khác, để từ đó giao tiếp hiệu quả hơn.

Một số cách tăng cường EQ:
  • Chú ý, đặt tên cho cảm xúc của bạn/nhân vật. Vì sao bạn có cảm xúc này? Khi cảm thấy thế này, bạn thường phản ứng/cư xử ra sao?

  • Hỏi những người gặp gỡ bạn thường xuyên. Họ có để ý thấy thói quen về cảm xúc nào của bạn không? Trong mắt họ, bạn là người dễ nổi nóng, hay rất trầm tính và không chia sẻ về mình?

  • Đọc nhiều hơn. Bạn có thể đọc kỹ những kịch bản mình thích và phân tích động cơ, hành vi của nhân vật. Khi đọc tiểu thuyết, ta có khả năng đi vào suy nghĩ của người khác để xem xét quan điểm của họ, điều này khiến ta trở nên đồng cảm, thấu hiểu hơn.



Hành xử thông minh với đồng nghiệp
  • Người đại diện (Agent):

Thiết lập một mối quan hệ cởi mở, lắng nghe kỹ những gì họ nói cũng như bày tỏ rõ ràng quan điểm, nhu cầu của bản thân. Tuy vậy, cả khi đã tìm được công ty đại diện, bạn vẫn cần ở thế chủ động và có các mối quan hệ của riêng mình.
  • Người quản lý (Manager):

Tương tự như với người đại diện. Quản lý của bạn nên hiểu sâu sắc lịch sử và định hướng nghề nghiệp của bạn, để từ đó tư vấn và hỗ trợ hiệu quả.
  • Giám khảo casting:

Trong thời gian ngắn ngủi gặp gỡ họ, bạn phải truyền tải cảm xúc thật tốt qua lời thoại, sử dụng triệt để khả năng của cơ thể mình thông qua biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ phù hợp, kết nối với không gian xung quanh trong lúc hoàn toàn hoá thân vào nhân vật.
  • Đoàn phim:

Trên phim trường luôn có rất nhiều người và bộ phận bận rộn với những vai trò khác nhau. Vì vậy giao tiếp ngắn gọn nhưng rõ ràng, hiệu quả là vô cùng cần thiết, giảm thiểu tối đa lỗi sai và vấn đề. Khi lên set, bạn hãy lịch sự giới thiệu bản thân với những người mới, sẵn sàng lắng nghe chỉ dẫn của họ khi cần thiết.
  • Đạo diễn:

Giao tiếp tốt với họ sẽ giúp bạn hoàn thành tốt hơn nhiều công việc của mình, và cùng đoàn phim tạo ra kết quả tốt hơn. Đạo diễn luôn bận rộn xử lý thông tin tới từ rất nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, bạn hãy tập trung lắng nghe mỗi khi họ nói, cố gắng tìm đúng thời điểm để đặt câu hỏi và cùng họ phát triển nhân vật.
  • Bạn diễn:

Trong cảnh diễn với người khác, hãy tập trung vào bạn diễn nhiều hơn bản thân mình, quan sát kỹ biểu hiện và lắng nghe đầy đủ lời thoại của họ. Những quan sát này sẽ giúp bạn điều chỉnh vai diễn của mình sao cho phù hợp, hiệu quả hơn để hợp tác với họ tốt hơn.

Giao tiếp là một kỹ năng cần rèn luyện hàng ngày, và nó sẽ mang lại lợi ích cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Dành thời gian để phát triển kỹ năng giao tiếp có thể là bí quyết đưa sự nghiệp của bạn lên một tầm cao mới!

(Lược dịch từ backstage.com)

96 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page